Trung Quốc và ngành công nghiệp sản xuất dụng cụ chơi golf
03/04/2017 | Đăng bởi Dzung Nguyen
Bảy năm trước, Dick Rugge, khi đó là giám đốc kỹ thuật cao cấp của USGA (Hiệp hội Golf Mỹ) đang tìm kiếm một đầu gậy bằng titan có thể thử nghiệm bằng máy đánh bóng tự động, mục đích là đưa loại gậy đó vào các giải đấu của hiệp hội. Nhưng Rugge không tìm đến TaylorMade, Callaway hoặc Titleist. Ông cũng không làm việc với bất kỳ nhà thiết kế độc lập được đánh giá cao nào ở Mỹ. Thậm chí những học viện của những trường đại học hàng đầu như Viện Công Nghệ Massachusetts, Đại học Lehigh và Đại học Bách Khoa New York, nơi USGA đang tiến hành những nghiên cứu về golf cũng không có mặt trong danh sách.
Thay vào đó, Rugge đến Châu Á, chính xác hơn là ông liên hệ với Fu Sheng, nhà sản xuất đầu gậy lớn nhất thế giới với hệ thống nhà máy trải dài từ Đài Loan, Trung Quốc đến Việt Nam với năng lực sản xuất hơn một triệu sản phẩm mỗi tháng. Rugge đã nêu lên những yêu cầu tìm kiếm một đầu gậy mới của ông và Fu Sheng đã phản hồi bằng vài đầu gậy mẫu, loại được thiết kế nhưng chưa có logo để chào hàng cho các công ty sản xuất gậy nhỏ ở khắp nơi trên thế giới. Rugge và các nhân viên của USGA sẽ đo các thông số cũng như dùng các phép thử khác nhau trên những đầu gậy mẫu trước khi quyết định đầu gậy nào sẽ trở thành công cụ kiểm định loại bóng phù hợp với Quy chế Golf.
Sự trỗi dậy của Châu Á đã thay đổi mọi thứ về golf. Đặc biệt là những tiến bộ về khoa học kỹ thuật, thứ cần thiết để biến những miếng kim loại trở thành cây gậy gạt hiệu quả hoặc uốn những tấm titan mỏng thành đầu gậy chính xác. Như thế, một nhà sản xuất gậy golf ở Mỹ đã phát biểu: “Bất cứ ai có một máy fax và hai ngàn đô la Mỹ đều có thể trở thành doanh nghiệp kinh doanh dụng cụ golf.”
Trung Quốc có nhiều hơn thế. Trong kỷ nguyên công nghệ thông tin, nơi ý tưởng mới được hiện thực hóa trong từng giờ, kết hợp với cuộc cách mạng sản xuất hàng hóa, bạn có thể dễ dàng tìm thấy những dụng cụ golf có gắn nhãn “Made in China” trên kệ của Wal-Mart ở Mỹ hay những siêu thị dụng cụ thể thao lớn nhất ở Châu Âu.
Tám năm về trước, chỉ riêng công ty Coastcast Corporation đặt trụ sở tại California đã gia công hơn một triệu đầu gậy titan cho các công ty sản xuất gậy lớn thì hiện nay họ không sản xuất được đầu gậy nào và phải chuyển sang làm linh kiện ô tô, máy bay. Năm 2002, Bryan Rolfe, phó chủ tịch phụ trách chiến lược và kinh doanh của Coastcast Corporation lúc đó cho rằng đối thủ cạnh tranh không đến từ trong nước: “Đối thủ cạnh tranh của chúng tôi không phải là Ruger (một công ty sản xuất linh kiện titan ở Arizona), không phải bất cứ công ty khác mà chính là Trung Quốc.”
Chưa đầy một năm sau, công ty của Rolfe phải rút tên khỏi sàn giao dịch chứng khoán New Yorks và đóng cửa bộ phận sản xuất thiết bị golf vào năm 2004. Đối với những người làm việc trong ngành golf, sự xuất hiện và trở thành nơi sản xuất hầu hết gậy golf của Trung Quốc là quá nhanh chóng. Clay Long, nhà thiết kế gậy golf từng làm việc cho MacGregor, Cobra và Nicklaus Golf nói:
“Họ là nhà cung cấp lớn nhất từ trước đến giờ. Họ cung cấp mọi thứ liên quan đến golf với chất lượng tốt hơn, nhanh hơn mà đặc biệt rẻ hơn rất nhiều. Bạn còn muốn gì khác ở một nhà cung cấp như vậy?”
Trên thế giới, gần 45 triệu gậy golf được bán ra mỗi năm. Ba phần tư số gậy đó xuất phát từ Châu Á, chủ yếu được làm ở Trung Quốc. Nhật Bản từng là nơi sản xuất linh kiện, thiết bị golf hàng đầu Châu Ắ suốt nhiều thập kỷ. Nhưng khi yếu tố giá nhân công rẻ trở nên quan trọng, họ đã đánh mất ngôi vị này về tay Đài Loan. Đi đầu là Fu Sheng, vốn là một công ty lớn về máy nén khí, đã mở rộng sang đúc đầu gậy golf vào năm 1978. Những công ty Đài Loan khác nhanh chóng đi theo, phát triển, mở rộng sang Trung Quốc và Việt Nam. Bạn có thể thấy thương hiệu của họ trên những bộ gậy golf rẻ tiền mà những sân golf ở Việt Nam dành cho khách thuê cách đây chừng năm bảy năm: Fu Sheng, PGM, Advanced, O-TA và Dynamic.
Do nhu cầu về đầu gậy tăng, khi các nhà máy của Đài Loan đặt tại Trung Quốc chủ yếu phục vụ cho các công ty tên tuổi ở Mỹ thì người Trung Quốc nhanh chóng trộm công nghệ, lập những công ty mới để phục vụ các khách hàng nhỏ hơn. Cũng như kiểu các nhà thầu phụ mọc lên xung quanh Detroit để phục vụ cho nền công nghiệp ô tô Mỹ, các nhà máy golf lần lượt mọc lên khắp nơi tại Trung Quốc, từ Chu Hải, Trung Sơn, Quảng Châu, Đông Quan, Thâm Quyến đến Thượng Hải.
Tôi không biết có bao golfer của Việt Nam đã dùng gậy của bộ tứ Fu Sheng, Advanced, PGM, Dynamic nhưng bộ gậy đầu tiên mà tôi sở hữu là bộ gậy của PGM, giá rất rẻ, chỉ 16 triệu đồng. Tuy nhiên chất lượng của bộ gậy khá cao dù đó không phải là một món đầu tư xa xỉ với một người mới chơi, phá gậy nhiều hơn là đánh bóng. Đương nhiên tôi chỉ dùng bộ đó sáu tháng và chuyển sang một bộ gậy chất lượng cao hơn cũng của PGM.